LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

Thống kê
Trực tuyến:
Truy cập:
ĐỒNG HỒ

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG 2020-2025 TẦM NHÌN 2030

1/10/2023

 Tải về

 

SỞ GD-ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT BẮC YÊN THÀNH

Số: 39 /KH-THPTBYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Yên Thành, ngày 31 tháng  5 năm 2020

                                                                                                                                                            

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT BẮC YÊN THÀNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

TẦM NHÌN 2030

                                                                    

Để thực hiện đường lối đổi mới giáo dục, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2020-2025, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nói chung và các trường THPT nói riêng phải xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển của từng nhà trường trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.

Trường THPT Bắc Yên Thành được thành lập ngày 12/9/1983, lúc đó là Cơ sở II của THPT Yên Thành I (Nay là THPT Phan Đăng Lưu). Từ 2/8/1991: Trường được sáp nhập với trường THCS Lăng Thành, thành lập trường Cấp 2-3 Bắc Yên Thành. Từ năm học 1996-1997: Tách trường THCS Lăng Thành, thành lập trường THPT Bắc Yên Thành (Theo Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 22/8/1996 của UBND tỉnh Nghệ An).

Trong những năm vừa qua trường THPT Bắc Yên Thành đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới cùng đất nước với nhiều thử thách, khó khăn nhưng cũng rất nhiều thuận lợi. Nhà trường đang từng bước phát triển bền vững, ngày càng trưởng thành, đã đang và sẽ trở thành một nhà trường có chất lượng giáo dục tốt, một địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn huyện Yên Thành.

Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích tốt đẹp đã đạt được cùng những đóng gúp to lớn trong sự nghiệp trồng người, trường THPT Bắc Yên Thành đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, Cờ Thi đua của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017, nhiều năm liền là Tập thể Lao động Xuất sắc, Tập thể Lao động tiên tiến, được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen; đạt Chuẩn quốc gia năm 2014. 

Trên cơ sở đó, Trường THPT Bắc Yên Thành xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như là sự tiếp nối chiến lược phát triển nhà trường của các giai đoạn trước đây.

Kế hoạch nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban Giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược phát triển của trường THPT Bắc Yên Thành là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chính sách của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng các trường THPT xây dựng ngành giáo dục Nghệ An phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế.

Phần I. PHÂN TÍCH BỐI CẢNH VÀ THỰC TRẠNG CỦA NHÀ TRƯỜNG

I. Bối cảnh Quốc tế và trong nước

1.  Bối cảnh quốc tế và khu vực

Trong điều kiện toàn cầu hóa, kinh tế phát triển và cuộc cách mạng 4.0, các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật bản, Úc, … đã có một nền giáo dục tiên tiến và phát triển, môi trường học tập tốt và nhiều cơ hội phát triển đã thu hút các học sinh, sinh viên giỏi trên khắp thế giới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với chúng ta. 

Đông Nam Á, là khu vực chủ yếu gồm các nước có nền kinh tế đang phát triển, do đó cũng đang dốc sức đầu tư cho giáo dục rất nhiều. Trong đó phải kể đến một số nước có nền giáo dục tương đối phát triển, thu hút nhiều du học sinh nước ngoài như Singapo, Thái Lan, Malaysia, … tuy nhiên các nước này cũng có chính trị không mấy ổn định.

Tình hình giáo dục quốc tế và khu vực như vậy đặt giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục ở từng địa phương nói riêng, trong đó có trường THPT Bắc Yên Thành trước những cơ hội và thách thức, do đó việc thực hiện đổi mới trong giáo dục cũng như cách thức quản lý là vấn đề cấp thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần xây dựng một bản kế hoạch chiến lược đúng đắn. 

2.  Bối cảnh trong nước 

Kinh tế của đất nước ngày càng phát triển ổn định, bền vững. Đảng và nhà nước coi đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mục tiêu đổi mới giáo dục hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đủ sức gia nhập nền giáo dục thế giới. Chính sách mở cửa của giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức với ngành. Các loại hình giáo dục trở nên đa dạng, phong phú và dân chủ hơn: giáo dục quốc dân không còn giữ độc quyền như trước nữa, thêm vào đó là nhiều loại hình giáo dục mới: dân lập, tư thục, liên kết nước ngoài, trường Quốc tế… ở nhiều bậc học, cấp học. Một quỹ lớn ngân sách đầu tư cho xây dựng trường học và trang thiết bị phục vụ dạy học, ….

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm gần đây có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng hướng đối với giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã huy động tốt nhất mọi nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục. Yên Thành là một huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An là một huyện lớn, gồm 39 xã, thị trấn là huyện thứ 2 của tỉnh Nghệ An được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây là một vùng địa linh, nhân kiệt có truyền thống hiếu học; con người nơi đây cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, có ý chí phấn đấu rèn luyện để lập thân, lập nghiệp góp phần xây dựng quê hương. Mặt khác Yên Thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế được coi là vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ An. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết với giáo dục chất lượng cao của huyện nhà. Các trường THPT đóng trên địa bàn huyện ngày càng lớn mạnh, chất lượng giáo dục được khẳng định, tạo uy tín, niềm tin của Nhân dân trong và ngoài huyện.

Tình hình thực tế này đòi hỏi nhà trường phải có chiến lược hợp lý để thu hút những học sinh giỏi vào học tại trường, vừa đáp ứng yêu cầu nguồn lực con người trong thời kỳ mới đồng thời khẳng định được thương hiệu của nhà trường trong hệ thống giáo dục của tỉnh Nghệ An.

II. Đặc điểm tình hình nhà trường

1.  Đặc điểm tình hình

1.1.  Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện tại là: Tổng số 100 người, Ban giám hiệu 4 người, giáo viên đứng lớp 91 người, nhân viên hành chính 5 người, ngoài ra trường hợp đồng bảo vệ 2 người. 

Về chất lượng đội ngũ: 100% đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 21 thạc sĩ (Ban giám hiệu có 03 đồng chí đạt trình độ Thạc sỹ), đồng chí Hiệu trưởng đang học Cao cấp Lý luận Chính trị, 03 phó hiệu trưởng có trình độ Trung cấp Lý luận chính trị và hiện tại đang có 2 đồng chí giáo viên học Trung cấp Lý luận Chính trị.

1.2.  Học sinh, chất lượng giáo dục

Hiện nay nhà trường có tổng số 41 lớp, với 1656 em học sinh, đa số các em thuộc khu vực nông thôn.

Chất lượng học sinh trong năm học 2018 - 2019:

Khối

Tổng số

 

 

Học lực

 

 

Giỏi

 Khá

 TB

 Yếu

 Kém

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

Khối 10

538

59

10.97%

230

42.75%

248

46.10%

1

0.19%

0

0.00%

Khối 11

526

72

13.69%

281

53.42%

168

31.94%

4

0.76%

1

0.19%

Khối 12

519

94

18.11%

383

73.80%

42

8.09%

0

0.00%

0

0.00%

Toàn trường

1583

225

14.21%

894

56.48%

458

28.93%

5

0.32%

1

0.06%

 

Khối

Tổng số

 

Hạnh kiểm

 

 Tốt

 Khá

 TB

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

Khối 10

538

439

81.60%

87

16.17%

11

2.04%

1

0.19%

Khối 11

526

419

79.66%

76

14.45%

28

5.32%

3

0.57%

Khối 12

519

471

90.75%

48

9.25%

0

0.00%

0

0.00%

Toàn trường

1583

1329

83.95%

211

13.33%

39

2.46%

4

0.25%

- Số học sinh giỏi tỉnh lớp 11 là 16 học sinh (01 nhì, 08 ba, 07 KK).

- Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trường THPT Bắc Yên Thành có điểm trung bình tổng 3 môn thi theo 5 khối thi truyền thống là 18,59 điểm (Riêng lớp 12A1 đạt 24.21 điểm; 12C9 đạt 21,59 điểm), toàn trường có 01 hs thi khối C đạt 28,0 điểm (xếp thứ 10 cả nước về khối C) được UBND tỉnh Nghệ An Tuyên dương, 06 lượt học sinh đạt từ 26.0 điểm trở lên được UBND huyện Yên Thành tuyên dương. Tỉ lệ đậu Tốt nghiệp THPT là 99,4%

- Trong công tác giáo dục toàn diện, xếp loại Học lực giỏi tăng hơn so với những năm trước, đã vượt 10% (là mức 3 tiêu chuẩn kiểm định chất lượng), tỷ lệ xếp loại Hạnh kiểm tốt được giữ vững.

Các cuộc thi khác nhà trường đã động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia cuộc thi và đạt nhiều giải cao

1.3. Cơ sở vật chất

Khuôn viên nhà trường có diện tích 5,3 ha. Có tường rào kiên cố, kiến trúc hiện đại, đảm bảo an toàn; có cổng trường kiên cố, thiết kế đẹp. Có sân vận động rộng rãi, sử dụng tốt cho các hoạt động lớn và học sinh học thể dục thể thao. Sân trường được lát gạch, trồng cây xanh, có hệ thống bồn hoa; Hệ thống cây xanh không ngừng được cải thiện.

Khu vực phòng học chính: Gồm 1 dãy nhà 3 tầng, 3 dãy nhà 2 tầng, 1 dãy nhà cấp 4; 3 dãy nhà để xe giáo viên và học sinh; Có 44 phòng học kiên cố, bàn ghế đủ sử dụng, phục vụ; hệ thống điện chiếu sáng và quạt điện được trang bị đầy đủ và được tu sửa thường xuyên; Có 16 phòng học đã được trang bị máy chiếu lắp cố định.

Phòng học bộ môn: Có 03 phòng thực hành Tin với 60 máy sử dụng tốt (trong đó có 20 máy mới đầu tư), có kết nối mạng Internet, có 01 phòng Lab có đầy đủ headphone để dạy học Tiếng Anh; 01 phòng thực hành Vật lý, 01 phòng thực hành Hóa học và 01 phòng thực hành Sinh học; có 04 phòng kho để đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học được bổ sung hàng năm;

Có đầy đủ phòng chức năng cho Ban giám hiệu, Chi bộ, kế toán, văn thư, thủ quỹ, các tổ bộ môn, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phòng tư vấn, Tiếp dân, … Có 01 phòng họp, được trang bị đầy đủ các thiết bị tối thiểu.

Thư viện được đánh giá Xuất sắc, có đầy đủ tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập; có Cổng Thông tin điện tử phục vụ công tác của nhà trường.

Có công trình vệ sinh công cộng riêng cho giáo viên, học sinh và đảm bảo sử dụng tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường; đã hợp đồng với công ty nước sạch cấp đủ nước uống và sử dụng hàng ngày cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Có khu nhà tập thể rộng rãi, thoáng mát; với 3 phòng ở 24m2 và 6 phòng ở 12m2 đảm bảo nhu cầu cho giáo viên; có khu vệ sinh, hệ thống nước sạch đảm bảo. 

2.  Điểm mạnh

2.1.  Công tác quản lý và điều hành của Ban giám hiệu. 

Ban giám hiệu là một tập thể đoàn kết, có tầm nhìn khoa học, sáng tạo.  Trong công tác chỉ đạo, điều hành luôn chủ động có kế hoạch cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Khi thực hiện luôn chủ động điều chỉnh kế hoạch kịp thời sát với thực tế. Được sự tin tưởng cao của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và cha mẹ học sinh nhà trường.

2.2.  Đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Là một tập thể đoàn kết, nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chấp hành tốt kỷ luật lao động, qui chế chuyên môn. Năng động, sáng tạo có tinh thần chia sẻ và hợp tác với đồng nghiệp, có ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

2.3.  Chất lượng giáo dục.

Tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh có hạnh kiểm tốt đạt cao và ổn định hàng năm. Chất lượng thi THPT quốc gia tăng hàng năm.

Công tác bồi dưỡng mũi nhọn được quan tâm đúng mức, có kết quả cao, ổn định.

2.4.  Cơ sở vật chất: 

Cơ sở vật chất đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trong việc dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

2.5.  Thành tích nổi bật.

Đã khẳng định được vị trí trong ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, được học sinh và cha mẹ học sinh tin cậy.

Trong những năm học gần đây nhà trường luôn đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến và Tập thể Lao động Xuất sắc; Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh và một số năm đạt vững mạnh tiêu biểu, Công đoàn, Đoàn thanh niên luôn là lá cờ đầu của huyện và ngành.

3.  Điểm hạn chế.

3.1.  Việc tổ chức quản lý, điều hành của Ban giám hiệu: 

Một số cán bộ quản lý kinh nghiệm chưa nhiều, nên chưa thật chủ động trong quản lý, điều hành.

Đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên còn mang tính động viên, chưa thực chất, phân công công tác chưa thực sự phù hợp với năng lực, trình độ, khả năng của một số giáo viên.

3.2.  Đội ngũ giáo viên, công nhân viên.

Một bộ phận nhỏ giáo viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới giảng dạy, giáo dục học sinh, còn có tâm lý ngại đổi mới. 

Trình độ ngoại ngữ còn thấp, đây là trở ngại rất lớn trong việc tiếp cận những cái mới của khu vực và trên thế giới.

Việc tự học, tự bồi dưỡng còn có nhiều hạn chế. Cập nhật thông tin, tri thức trên các phương tiện truyền thông còn yếu, đặc biệt là tìm kiếm trên mạng internet.  

Một bộ phận giáo viên tính ổn định chưa cao, hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác.

3.3.  Chất lượng học sinh.

 Chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận học sinh có ý thức kém trong học tập và rèn luyện.

3.4.  Cơ sở vật chất. 

Chưa đồng bộ, hiện đại. Phòng học chính, phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập chưa đầy đủ, chưa có nhà tập đa năng, chưa có nhà bộ môn đạt chuẩn, nhà học cấp 4 và nhà học 2 tầng xây dựng từ những năm 2000 lâu ngày không sửa chữa nay đã hư hỏng nhiều, xuống cấp nặng, công trình vệ sinh còn thiếu.

4.  Thời cơ và thuận lợi.

Luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể; đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

Nhà trường là cơ sở giáo dục có truyền thống dạy tốt, học tốt trên 35 năm, là địa chỉ tin cậy của nhân dân địa phương. Trong nhiều năm liền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, kế hoạch.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sự phạm tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu đổi mới và hội nhập.

Nhu cầu giáo dục chất lượng cao là rất lớn và ngày càng tăng.

5.  Thách thức:

 Đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và xã hội trong thời kỳ hội nhập.

 Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Các trường THPT trên địa bàn cũng không ngừng phát triển về quy mô, chất lượng tạo nên sự cạnh tranh lớn giữa các trường. 

6.  Xác định các vấn đề ưu tiên.

Kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu theo hướng chuyên biệt hoá với sự phân công phụ trách các mảng công việc. Xây dựng nền nếp làm việc khoa học trong nhà trường.

Tham mưu với Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, nhân viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên với định hướng đáp ứng yêu cầu chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trong thực hiện nhiệm vụ CNTT cũng như thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và công tác quản lý.

Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy.

Triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tạo nhiều hoạt động giao lưu để học sinh có điều kiện thích ứng và hoà nhập. Tăng cường trao đổi, hợp tác và tư vấn nghề cho học sinh. Tăng cường công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh.  

Quản lý nhà trường theo bộ tiêu chuẩn đánh giá trường phổ thông.

Phần II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG

GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 VÀ TẦM NHÌN 2030

I. Định hướng chiến lược

1.  Tầm nhìn.

Là một trong những trường có chất lượng hàng đầu của tỉnh Nghệ An mà học sinh sẽ lựa chọn để học tập và rèn luyện; Là nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới những tầm cao mới.

2.  Sứ mệnh.

Tạo dựng được môi trường học tập và rèn luyện có nền nếp, kỷ cương có chất lượng giáo dục cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực của bản thân.

3.  Hệ thống giá trị cốt lõi của nhà trường.

Coi trọng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, khả năng hội nhập của học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trung thực: Trung thực trong học tập, biết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh với những điều sai trái trong cuộc sống.

Tinh thần trách nhiệm: Con người phải có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và trong công việc.

Năng động: là phẩm chất của công dân toàn cầu trong môi trường luôn thay đổi và đầy thách thức

Sáng tạo: là bản chất và là mục tiêu của giáo dục.

Khả năng hội nhập: Hội nhập để sống và làm việc trong môi trường toàn cầu cạnh tranh, đa văn hóa và đa sắc tộc.

II. Mục tiêu, chỉ tiêu và phương châm hành động

1.  Mục tiêu tổng quát.

Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại; Hoàn thành mục tiêu giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và trường đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm 2025.

2.  Mục tiêu cụ thể.

Giáo dục và giảng dạy cho học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản của tất cả các môn học phổ thông, có kiến thức nền tảng để tiếp tục học lên cao hơn hoặc đi vào trực tiếp lao động sản xuất. Biết cách giải quyết các vấn đề một cách độc lập, sáng tạo; biết cách học và tự học. Có ý thức tự giác, thật thà, thân thiện, hoà nhập và chia sẻ. Có phong cách và lối sống đẹp phù hợp với truyền thống dân tộc và hiện đại.

3.  Chỉ tiêu cụ thể.

3.1.  Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đảm bảo đủ biên chế được giao về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là 101. Trong đó Ban giám hiệu có 04 đồng chí, nhân viên 06 người.

Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 80%.

Giáo viên sử dụng thành thạo máy tính phục vụ cho giảng dạy và học tập; 50% giáo viên biết sử dụng ngoại ngữ.

Có trên 25% cán bộ và giáo viên có trình độ Thạc sỹ; 100% giáo viên Tiếng Anh có chứng chỉ FCE.

Phấn đấu 70% giáo viên đánh giá theo chuẩn đạt từ loại khá trở lên.

3.2.  Học sinh

3.2.1. Qui mô trường lớp: 

Tổng số lớp học 42 lớp, Tổng số học sinh 1764 em.

3.2.2. Chất lượng giáo dục văn hóa:

Trên 60 % học lực khá, giỏi (trên 10 % học lực giỏi)

Tỷ lệ học sinh có học lực yếu < 1% không có học sinh kém.

Thi đỗ Đại học, Cao đẳng: Trên 75% số học sinh đăng ký dự thi.

Thi học sinh giỏi tỉnh: tất cả các môn tham dự đều có giải, thứ hạng tập thể trong tốp 10 trường đứng đầu.

3.2.3. Chất lượng giáo dục đạo đức.

Có trên 90% hạnh kiểm xếp loại khá, tốt.

Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện.

Đáp ứng được nhu cầu mong muốn của cha mẹ học sinh. Học sinh rèn thói quen cách tự học một cách chủ động sáng tạo.

3.3.  Cơ sở vật chất.

Phòng học, phòng làm việc, phòng phục vụ được sửa chữa nâng cấp, trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và làm việc đạt chuẩn.

Các phòng tin học, thí nghiệm, thực hành được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại; 70 % phòng học có máy chiếu cho giáo viên sử dụng.

Phấn đấu có nhà đa năng, nhà học bộ môn đạt chuẩn; có các công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Xây dựng môi trường sư phạm “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”; "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".

4.  Phương châm hành động

Chất lượng là uy tín, danh dự của nhà trường.

III. Chương trình hành động

1. Tích cực đổi mới công tác quản lí giáo dục:

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực để cán bộ, giáo viên, nhân viên tự giác, tự chủ đối với hoạt động chuyên môn thông qua một cơ chế khoa học, chặt chẽ, lấy hiệu quả chuyên môn làm thước đo để đánh giá sự cống hiến và phân phối lợi ích.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” trong nhà trường, nhằm tạo ra một cơ chế quản lý gọn, nhẹ, hiệu quả. Ứng dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý nhân sự, quản lý điểm, xếp loại học sinh, quản lý thư viện, tài sản nhà trường, … 

Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; Thực hiện tốt các chủ trương về công khai chất lượng giáo dục, nguồn lực cho giáo dục, phát huy tác dụng của hoạt động giám sát xã hội về chất lượng và hiệu quả giáo dục; Thực hiện chế độ tài chính đúng quy định, chống các hiện tượng lạm thu, thu sai quy định.

Tích cực đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra. Kết hợp giữa kiểm tra có báo trước và kiểm tra đột xuất, tạo nề nếp chủ động trong dạy học và hoạt động thường xuyên, hạn chế hiện tượng đối phó trong hoạt động chuyên môn; đặc biệt công tác kiểm tra nội bộ trường học. 

Quản lý tốt hoạt động dạy học, hoạt động dạy thêm học thêm; tăng cường quản lý chất lượng dạy học. Tăng cường quản lý hoạt động chuyên môn theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành giám bớt các thủ tục hành chính.

Thực hiện tốt công tác Kiểm định chất lượng Giáo dục. Công khai hóa kết quả kiểm định, thanh tra, kiểm tra đánh giá. 

Xây dựng hệ thống website của nhà trường làm phương tiên cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh cũng như việc công khai các điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục, các nguồn thu, … của nhà trường.

Người phụ trách: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng văn phòng.

2.  Xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn tốt; có trình độ Tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, phân công sắp xếp đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường. Tập trung ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ, giáo viên cốt cán.

Xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi có tính chất động viên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút động viên các cán bộ, giáo viên, nhân viên giỏi, có năng lực, tận tâm với nghề, yêu trường lớp.

Người phụ trách: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn.

3.  Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể; gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

Người phụ trách: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.

4.  Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.

Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bảo quản và sử dụng hiệu quả, lâu dài.

Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, tổ trưởng tổ văn phòng, kế toán, nhân viên thiết bị.

5.  Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử … Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng được các phần mềm phục vụ cho công việc, giảng dạy, … 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có máy tính cá nhân.

Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn, bộ môn Tin học, giáo viên, nhân viên.

6.  Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục. 

 Xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hoá; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

 Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển nhà trường. Nguồn lực tài chính bao gồm: Ngân sách Nhà nước; ngoài ngân sách “Từ xã hội, cha mẹ học sinh, cựu học sinh, …”. Nguồn lực vật chất bao gồm: Khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ trợ; Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ thông tin phục vụ dạy và học. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi, …

Người phụ trách: Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, Ban chấp hành Đoàn trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Giáo viên chủ nhiệm.

7.  Xây dựng hình ảnh, uy tín của nhà trường

Xây dựng hình ảnh và tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường.

Xác lập tín nhiệm, hình ảnh đối với từng cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng hình ảnh của nhà trường.

Người phụ trách: Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, Ban chấp hành Đoàn trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

 

 

 

 

 

 

 

Phần III: TỔ CHỨC TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC,

THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ 

I. Phổ biến kế hoạch chiến lược

1. Tuyên truyền và xác lập nhận thức về tầm quan trọng của kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

2. Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.

II.    Tổ chức điều hành

Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều hành quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng năm sát với tình hình thực tế của nhà trường. Xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch chiến lược.

III. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược.

1.  Từ năm 2020 đến năm 2023: 

Xác lập nền nếp kỷ cương theo tiêu chuẩn và đưa các hoạt động giáo dục vào nền nếp. Hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, trường đạt Kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.

2.  Từ năm 2023 đến năm 2024: 

Tiếp tục phát huy, khẳng định uy tín và hình ảnh của nhà trường là một cơ sở giáo dục mạnh của tỉnh, chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

3.  Từ năm 2024 đến năm 2025: 

Thực hiện các sứ mệnh của chiến lược phát triển nhà trường “Tạo dựng được môi trường học tập và rèn luyện có nền nếp, kỷ cương có chất lượng giáo dục cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực của bản thân”.

IV. Phân công thực hiện

1.  Đối với Hiệu trưởng.

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.

2.  Đối với các Phó hiệu trưởng.

Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch chiến lược, đề xuất những giải pháp để thực hiện.

3.  Đối với các tổ chức đoàn thể.

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh hăng hái thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị cơ bản của từng năm học.

làm tốt công tác tham mưu, đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường.

4.  Đối với tổ trưởng chuyên môn.

Tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện.

5.  Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học; đề xuất các giải pháp để thực hiện.

6.  Đối với đội ngũ học sinh và cha mẹ học sinh.

Thực hiện nghiêm nền nếp, kỷ cương; thực hiện tốt công tác tuần, tháng, từng kỳ và cả năm học dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhịêm và tổ chức đoàn thanh niên.

Tích cực tham gia vào hoạt động quản lý học sinh, các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội. Tham gia tích cực trong các hoạt động học tập và rèn luyện, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoài giờ chính khóa, ...

Đẩy mạnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh một cách có hiệu quả, làm tốt cuộc vận động xã hội hoá giáo dục trong và ngoài nhà trường.

 

Phần IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1.  Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An:

Phê duyệt và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường triển khai thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Hỗ trợ, hướng dẫn về cơ chế chính sách, giúp nhà trường về công tác tham mưu với UBND tỉnh để được ưu tiên về mặt tài chính, nhân lực nhằm thực hiện các mục tiêu của kế hoạch chiến lược.

2.  Đối với chính quyền địa phương và UBND huyện Yên Thành:

Thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của trường THPT Bắc Yên Thành, tạo điều kiện cơ chế chính sách, giúp nhà trường thực hiện các mục tiêu của kế hoạch chiến lược.

Hỗ trợ tài chính và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường đảm bảo tốt cho điều kiện dạy và học, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn của trường Chuẩn quốc gia, theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Với truyền thống và sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và sự chỉ đạo, lãnh đạo của Sở GD&ĐT; sự đồng thuận của xã hội và phụ huynh học sinh, trường THPT Bắc Yên Thành sẽ phát triển hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, nhân dân, đáp ứng mục tiêu đặt ra./.

 

Nơi nhận:

-  Sở GDĐT Nghệ An;

-  Chi bộ;

-  Công đoàn, Đoàn trường;

-  Tổ chuyên môn, Tổ văn phòng;

-  Cấp ủy, Ban giám hiệu;

-  Cán bộ, giáo viên, nhân viên;  

-  Lưu: VT;

-  Website của trường.                                                

 

HIỆU TRƯỞNG

 

 

(Đã ký)

 

 

Nguyễn Bá Thủy

PHÊ DUYỆT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN

 Bản quyền website thuộc về Trường THPT Bắc Yên Thành - Nghệ An

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng trường THPT Bắc Yên Thành

Email: thuynb.byt@nghean.edu.vn