Tháng 9/2007, tức là khi đã ở tuổi 97, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn công bố cả một bài báo dài hơn 4 nghìn từ, được chắp bút hết sức công phu và sâu sắc, bàn về các quan điểm giáo dục trong thời đại mới. Bài viết có nhan đề: Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà. Bài viết này tập trung lại cả những vấn đề đã từng được bàn luận nhiều lần và nêu 6 vấn đề “cơ bản và cấp bách” nhằm “triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo”… Dưới góc nhìn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đúng như Đảng ta đã xác định: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ rằng, trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, nền giáo dục của chúng ta phải là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới…
6 vấn đề cơ bản và cấp bách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu ra là:
Trước hết, cần tổ chức lại và kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ.
Hai là, tổ chức nghiên cứu rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa.
Ba là, cần nghiên cứu tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý.
Bốn là, cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của cấp đại học.
Năm là, cần tăng cường đầu tư thích đáng, và quan trọng hơn, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Sáu là, nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí…
Thực sự, hôm nay đọc lại những lời này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy rằng, đó vẫn là những nhiệm vụ còn nóng hổi, cần nhận được sự đóng góp nhiều tâm huyết, trí tuệ và sức lực của toàn xã hội…
(Lược trích từ báo AN ninh thế giới cuối tháng)