LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

Thống kê
Trực tuyến:
Truy cập:
ĐỒNG HỒ

ÔNG BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG... GIỎI 8 NGOẠI NGỮ

14/9/2013

          Một vị giáo sư khả kính, một nhà ngôn ngữ học hay một nhà ngoại giao tài ba giỏi 3 - 4 ngoại ngữ, xưa nay đã là một chuyện hiếm. Ấy vậy mà, có một ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lại giỏi đến… 8 ngoại ngữ, không những thế, những ngoại ngữ ấy được ông sử dụng thường xuyên để dịch tài liệu quan trọng, thuyết giảng, viết sách khoa học cơ bản… thì thật là chuyện… quá hiếm. Nhưng, đó lại là chuyện thật 100%. Và, chuyện đó có ở Việt Nam. Ông Bộ trưởng đó là người Việt Nam.

“Điều cốt yếu không phải : Sống là gì?

Điều cốt yếu nhất là: Làm gì trong lúc sống”

 Tạ Quang Bửu

Ông là Tạ Quang Bửu - “Lê Quý Đôn thời nay”.

            Ông Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910, tại làng Hoành Sơn (nay thuộc xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dòng họ Tạ Quang ở Nam Đàn nổi tiếng có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, nhưng không có ai chịu làm quan. Ông nội là Tạ Quang Oánh và Cha Tạ Quang Bửu là Tạ Quang Diễm đều đỗ Cử nhân. Song không ai làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Đào, dạy nữ công, có viết báo đăng trên Tiếng Dân, Phụ nữ Thời đàm với bút danh Sầm Phố.

Ngay từ nhỏ, Tạ Quang Bửu đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Trong bối cảnh Nho học vốn đã có lịch sử hàng nghìn năm ở nước ta đã vào lúc chuẩn bị cáo chung, Tân học với chính sách giáo dục và đào tạo của Pháp ở các nước thuộc địa đang từng bước trở thành thời thượng và thực dụng, với nhiều môn khoa học tự nhiên và xã hội lần đầu tiên được giảng dạy ở Việt Nam, Tạ Quang Bửu vốn rất yêu văn học, nhưng rồi lại bị các khoa học tự nhiên vô cùng mới mẻ ấy hấp dẫn, đã chuyển sang học Toán, Vật lý và một số môn khoa học tự nhiên khác với tâm thế tò mò khám phá và thích thú. Năm 1926, sau khi đỗ thứ nhì bậc Thành chung (người đỗ đầu là Hoàng Xuân Hãn, sau này là một giáo sư danh tiếng), Tạ Quang Bửu ra Hà Nội học Trường Trung học bảo hộ (Trưởng Bưởi). Sau 3 năm, anh thi đỗ đầu bậc Tú tài bản xứ. Sau đó, anh đăng ký thi Tú tài Tây cùng học sinh các trường Tây. Và, anh đã đỗ đầu Tú tài Tây ban Toán và đỗ hạng cao Tú tài Tây ban Triết, một kết quả chưa từng có đối với những học sinh học trường Tây, chứ chưa nói là đối với học sinh trường bản xứ. Với kết quả này, Tạ Quang Bửu nhận được học bổng du học Pháp.

Ngay khi đặt chân đến Paris, Tạ Quang Bửu đã tạo cho người Pháp và người châu Âu sự sửng sốt, thán phục. Anh đã thi đỗ vào Trường Sorbonne – trường đại học danh tiếng nhất của Pháp và của thế giới một kết quả mà không phải người Pháp hoặc người châu Âu nào lúc đó cũng đạt được. Tại đây, anh theo học chương trình Cử nhân khoa học và đã đạt kết quả rất cao, là một trong bốn người đỗ trong kỳ thi lấy văn bằng Cử nhân Toán (kỳ thi có hơn 100 người dự thi) của Sorbonne. Sau khi có bằng Cử nhân Toán, anh rời Paris xuống Bordeaux để học thêm về Cơ học. Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao trình độ Anh ngữ và theo học một ngành khoa học mới là Vật lý, anh dự thi và được học bổng của Trường ĐH tổng hợp Oxford (Anh quốc) là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới lúc đó.

 

Mặc dù đã có bằng cấp đại học loại ưu về Toán và Vật lý, nhưng Tạ Quang Bửu vẫn chưa thỏa mãn. Vốn ưa thích ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thể thao, anh tranh thủ mọi khoảng trống thời gian có được để tự học, tự tìm hiểu các loại hình trên. Anh tập chạy nhanh (từ 100m đến 10.000m), tập nhảy cao theo phương pháp lật người úp bụng qua xà, tập nhảy xa theo kiểu đá 2 chân trên không như cắt kéo, rồi tập bơi trườn. Người ta thấy anh – người châu Á hiếm hoi – trong cuộc thi bơi vượt sông Seine (Paris) có cả Jean Taris, vô địch nước Pháp tham dự. Nhờ luyện tập bóng bàn theo cách đánh của Barna, nhà vô địch Hung ga ri, anh đã lọt vào chung kết cuộc thi bóng bàn của sinh viên Paris. Anh còn tập đấm bốc, đá bóng. Thời gian ở nước Anh, Tạ Quang Bửu đã tham dự Trại Tráng sĩ của tổ chức Hướng đạo thế giới, một phong trào rất phổ biến trong học sinh, sinh viên thế giới lúc đó. Kết quả là, anh được cấp bằng bơi lội của Vương quốc Anh, bằng Trại trưởng huấn luyện Hướng đạo sinh.

Sau thời gian học tập ở nước ngoài, bằng cấp đầy mình, lại toàn bằng “xịn”, ngành học mới, năm 1934, Tạ Quang Bửu trở về nước. Không như nhiều người “Tây học” khác, Tạ Quang Bửu không ra làm quan, mà chỉ nhận dạy Toán và Tiếng Anh tại một trường tư, ban đầu là Trường Phú Xuân, sau là Trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa, ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường.

Để có thể hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam và phương Đông, Tạ Quang Bửu cho rằng không thể không tiếp cận từ ngọn nguồn văn, sử, triết Trung Hoa cổ đại, trung đại. Và chìa khóa để mở ra kho kiến thức vô tận và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Việt Nam đó, chỉ có thể là vốn Hán ngữ hoàn hảo. Từ đó, Tạ Quang Bửu đã miệt mài nghiền ngẫm loại văn tự khó bậc nhất thế giới này. Ngoài ra, anh còn đến thụ giáo “Ông già Bến Ngự” - cụ Giải San Phan Bội Châu. Thời gian không lâu sau, Tạ Quang Bửu đã bắt đầu đọc được Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh, Sử ký, Ly tao, Sở từ, Đường thi, Tống thi, Tam quốc diễn nghĩa,… từ nguyên bản Hán ngữ.

Năm 1937, Tạ Quang Bửu tham gia phong trào Hướng đạo sinh và được bầu làm Huynh trưởng Hướng đạo sinh miền Trung, sau đó, cùng với Hoàng Đạo Thúy, trở thành Tổng ủy viên Hướng đạo sinh Việt Nam. Tạ Quang Bửu đã cùng với Hoàng Đạo Thúy đã dần dần đưa phong trào Hướng đạo thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp, hướng tổ chức này vào thực hiện mục tiêu rèn cho thanh niên, nhất là lớp trí thức trẻ tính tháo vát, tự lực, lòng ham thích làm việc tốt. Từ phong trào này, nhiều hướng đạo sinh sau này đã tham gia Việt Minh.

Do có sáng tạo trong thiết kế đường dây điện cao thế cho nhà máy vôi Long Thọ, Tạ Quang Bửu được Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh, song ông đã khước từ. Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội. Từ đây, ông dành tất cả trí tuệ và tình cảm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, kiến thiết đất nước. Ông đã được Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách. Ông giữ chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, (1946) Tạ Quang Bửu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ đây, ông đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao với Pháp để bảo vệ nền độc lập của đất nước. Ông là thành viên Đoàn Cố vấn của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt với đại biểu Chính phủ Pháp. Tháng 5/1946, ông là thành viên chính thức Phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.

Tháng 7/1947, Tạ Quang Bửu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhằm củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, tháng 8 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng và Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số Bộ trong Chính phủ. Ông Tạ Quang Bửu được mời giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã chỉ đạo biên soạn cuốn sách “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung” để phổ biến rộng rãi khắp nơi , khiến máy bay Pháp phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ trong chiến tranh chống Mỹ. Làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1 năm, đến tháng 7/1948, Hội đồng Chính phủ quyết định Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa được phong Đại tướng (ngày 20/1/1948) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân. Ông Tạ Quang Bửu trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao, Hội đồng Giáo dục

Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Theo GS Lê Văn Thiêm, trong những năm kháng chiến chống Pháp, là Thứ trưởng Quốc phòng, tuy chìm ngập trong công việc, ông Tạ Quang Bửu vẫn dành thì giờ đọc các sách, báo Toán nổi tiếng qua tiếng Đức, Anh, Pháp. Ngày 6/3/1948, giữa rừng xanh Việt Bắc, vị Bộ trưởng Quốc phòng đã viết, sau đó Nhà xuất bản Quân đội đã xuất bản và phát hành cuốn sách: “Sống”. Trong cuốn sách, ông đã viết một câu đã trở thành phương châm sống của ông: “Điều cốt yếu không phải: Sống là gì? Điều cốt yếu nhất là: Làm gì trong lúc sống”.

Năm 1954, Ông là đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký văn bản Hiệp định đình chiến tại Đông Dương (Hội nghị Giơ ne ver). Sau khi đã hoàn thành xứ mạng “trai thời loạn”, bước vào thời bình, ông trở lại với nghiệp bút nghiên của mình. Trên các cương vị mà Đảng và Bác Hồ giao cho, ông đều hoàn thành xuất sắc. Năm 1965, khi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp được thành lập, ông Tạ Quang Bửu được giao làm Bộ trưởng. Ông giữ cương vị này trên 10 năm.

Tạ Quang Bửu không chỉ là nhà khoa học tự nhiên lỗi lạc, mà còn là người am hiểu nghệ thuật Kiến trúc, sành Hội họa và Âm nhạc. Người ta thường nghe ông hát bằng tiếng Đức bản Tụng ca Niềm vui, lời thơ của Friedrich von Schiller được Ludwig van Beethoven phổ nhạc và đưa vào chương kết của bản Giao hưởng số 9 (còn gọi là Giao hưởng Niềm vui). Về chuyện sành nhạc của Tạ Quang Bửu, GS. Hoàng Như Mai cho biết: “Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ họp ở Việt Bắc năm 1949, nhận xét, đánh giá về các bản nhạc của ông Nguyễn Xuân Khoát, có nhiều ý kiến về mặt này, mặt khác. Riêng ý kiến của Tạ Quang Bửu (do Nguyễn Đình Thi mang đến hội nghị) là một lời phát biểu rõ ràng, dứt khoát: “Đấy mới là nhạc” (“nguyên văn” Nguyễn Đình Thi nhắc lại)…”. Việc Tạ Quang Bửu thông thạo 8 ngoại ngữ (Pháp, Anh, Đức, Hy Lạp cổ, Latin, Nga, Trung, Ba Lan,… đã trở thành câu chuyện truyền tai nhau cứ như là … giai thoại. Xin đơn cử vài mẩu chuyện:

 

+ Về việc ông giỏi tiếng Anh: Lần ấy, anh thuyết giáo về đạo Tin lành bằng tiếng Anh ngay tại nước Anh, hấp dẫn đến mức, có người tưởng lầm ông là mục sư. Mặc dù, theo lời ông, ông chỉ là “tín đồ” của “đạo yêu nước” mà thôi.

Trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, với tư cách Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo những bức công hàm gửi lãnh tụ Liên Xô là Stalin, Tổng thống Mỹ là Tru man, rồi Attlee,… và tiếp các nhà ngoại giao Mỹ, Anh. Trong cuốn sách Tại sao Việt Nam (Why Vietnam ?), ông L.A. Patti, nguyên là Đại tá tình báo Mỹ (OSS), đã miêu tả những con người và sự kiện ở Hà Nội năm 1945, đã vô cùng kính phục khả năng tiếng Anh của Tạ Quang Bửu: “Ông nói tiếng Anh hoàn hảo với giọng đặc Oxford, không lơ lớ chút nào, khiến chúng tôi sững sờ kinh ngạc...”.

+ Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta nhận được pháo phòng không của Liên Xô kèm theo một bản hướng dẫn cách sử dụng máy ngắm bắn máy bay bằng tiếng Nga. Ông Nguyễn Xuân Huy không biết nhờ ai dịch, vì lúc đó Bộ quốc phòng chỉ có phiên dịch tiếng Trung Quốc. Nghe nói trên Bộ có ông Bửu tự học 3 tháng đã đọc được tiếng Nga, ông Huy liền đi bộ một ngày đêm lên gặp. “Anh Bửu xem và đọc một mạch tiếng Nga làm cho tôi phục quá. Xong, anh dịch ngay ra tiếng Pháp cho tôi đem về nghiên cứu, hướng dẫn bộ đội” (Ông Huy kể lại trong hồi ký).

+ Năm 1963, nhà toán học Ba Lan Mikusinky gửi cho GS Bửu một kết quả nghiên cứu mới của mình. GS Bửu đọc thẳng bản tiếng Ba Lan, sau đó thuyết minh về Toán tử Mikusinky cho các thầy giáo dạy toán ở các trường đại học Hà Nội.

Sở dĩ Tạ Quang Bửu giỏi nhiều ngoại ngữ và có kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực như vậy, một phần do ông ham học, ham hiểu biết, còn bởi ông có phương pháp học độc đáo. Đó là “học để biết, chứ không phải học để thi” (nhận xét của ông Hoàng Xuân Tùy – Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp). Tạ Quang Bửu giữ thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh, nhưng nhớ rất lâu. Có lần ngồi trên lưng ngựa, mải mê đọc Nicolas Bourbaki, ông ngã tòm xuống suối. Về sau, ông viết cuốn Về cấu trúc của N.Bourbaki (1960). Theo GS Lê Văn Thiêm, thì “năng lực tự học” của ông Bửu gần như là “một thiên huyền thoại”.

Nhà ngôn ngữ học – Toán học Noam Chomsky, người được tạp chí Mỹ Newsweek (Tuần tin tức) đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất của thế kỷ XX” đã nhiều lần sang Việt Nam, trò chuyện với GS Tạ Quang Bửu. Trở về Mỹ, ông viết bằng tiếng Pháp: “Monsieur Tạ Quang Bửu est un home d’une intelligence formidable” (Ông Tạ Quang Bửu là một người có trí thông minh ghê gớm).

Ông Tạ Quang Bửu về hưu năm 1979, ấy vậy mà nhà thông thái vẫn theo dõi sát sao những thành tựu mới nhất trong vật lý học, đọc các bài báo chuyên khảo vật lý thế giới và viết sách. Cho đến phút giây cuối cùng của đời mình ông vẫn giữ được sự trẻ trung của trí tuệ, sự sôi nổi của tâm hồn. Ông chỉ chịu ngừng làm việc vào đêm 14/8/1986. Trưa ngày 21/8/1986, ông qua đời. Trước đó mấy tháng, ông còn kịp hoàn thành (chưa kịp in) cuốn ách dành cho các bạn trẻ…GS Tạ Quang Bửu đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật (sau 1945)….”. Tên ông được đặt cho con đường - Đường Tạ Quang Bửu ở Hà Nội (nối liền phố Bạch Mai với phố Đại Cồ Việt, xuyên qua Trường Đại học Bách Khoa). Tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng đều có tên đường phố mang tên Tạ Quang Bửu. Thư viện Tạ Quang Bửu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội càng khẳng định tầm vóc thông thái và bác học của ông. Nhiều nhà khoa học danh tiếng nước ta gọi ông là “Lê Quý Đôn thời nay” là điều không phải bàn cãi.

Nguyễn Thùy Linh

Nguồn: http://vntimes.com.vn

 

Liên quan

 Bản quyền website thuộc về Trường THPT Bắc Yên Thành - Nghệ An

Chịu trách nhiệm nội dung: Chi uỷ - Ban giám hiệu Trường THPT Bắc Yên Thành

Email: thuynb.byt@nghean.edu.vn