Cách chọn nghề chủ yếu hiện nay
Trên 80% các bạn sinh viên được hỏi: Tại sao em chọn trường này, học ngành này? Câu trả lời thường là: “Do Ba Mẹ em muốn em trở thành….” Và khoảng 10% trả lời: “do em thấy nghề này “hot”, dễ tìm việc làm hoặc nghề này lương cao”… Cá biệt một số khác thì “do thấy bạn thi trường này nên thi chung cho vui”…
… Chỉ khoảng từ 2-5% sinh viên trả lời: “Em thích ngành này, em muốn trở thành một chuyên gia hàng đầu trong ngành…”
Và khi các bạn sinh viên bước đến giai đoạn kết thúc giai đoạn học đại học các bạn lại một lần nữa phân vân rằng sẽ tiếp tục tìm việc đúng theo chuyên môn được đào tạo hay dũng cảm rẽ hướng đi mới phù hợp hơn với con người mình…. Lúc đó các bạn lại bắt đầu lại quá trình chọn nghề, việc mà các bạn đáng ra đã thực hiện thật kỹ lưỡng và chính xác từ lâu.
Hậu quả phải trả là cái giá quá đắt
Những cách chọn lựa ngành nghề sai lầm này để lại những hậu quả thực sự nặng nề đối với mỗi cuộc đời, khi bạn đã quyết định sai lầm và dành hầu hết quãng thời gian tuổi trẻ của mình để xây dựng lên một căn nhà với nền móng yếu kém, tốn rất nhiều chi phí nhưng không sử dụng được. Nguyên tắc vàng để thành công trong công việc mà gần như tất cả các cuốn sách hướng nghiệp đều nhắc tới đó là: niềm đam mê. Việc chọn sai ngành nghề phù hợp với bản thân biến những ngày đến công ty, sở làm là những khoảng thời gian cực hình, mệt mỏi, làm việc cho qua ngày… và bạn chỉ mong đến ngày nhận lương. Cuộc sống của bạn thiếu hương vị và vốn hấp dẫn tuyệt vời của nó. Từ đó, công việc không phát triển, thu nhập không cải thiện, đời sống tinh thần xa xút, sức khỏe, những người gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Lúc đó bạn luôn cảm thấy mình chỉ tồn tại và thầm ước ao về một cuộc sống ý nghĩa hơn. Để tránh rơi vào tình trạng kia, bạn có thể làm các bước sau.
Các bước cần thực hiện để chọn nghề phù hợp với bản thân
1. Bước 1: Xây dựng danh sách 10 công việc bạn thích thú
Một số bạn trẻ năng động dễ dàng xác định được danh sách này. Tuy nhiên, với một số lượng lớn khác để có được danh sách này thật không dễ. Bạn hãy nhìn lại bản thân, liên tưởng những người quen của anh chị, ba mẹ, những cô chú, anh chị đã đi làm mà bạn quen biết, và hình dung xem bạn thích trở thành người giống ai nhất? Một sĩ quan công an, một cô thư ký, một bác sỹ phẫu thuật hay là một giáo viên… Hãy liên tưởng tuổi thơ lúc bạn còn nhỏ bạn thích trở thành ai? Hãy kiểm tra xem bây giờ mình còn thích không! Từ đó ghi ra giấy 10 công việc (hình tượng) mà bạn nghĩ rằng mình thích thú và hạnh phúc khi trở thành họ.
2. Bước 2: Chọn khoảng 5 công việc bạn cho là phù hợp nhất với các tố chất, kỹ năng, khả năng của bạn từ danh sách trên
Việc chọn lựa các công việc bạn nghĩ là mình yêu thích đã đảm bảo được bạn sẽ có cảm hứng, niềm yêu thích và đặc biệt đam mê khi làm việc, tuy nhiên bạn cần dựa vào các tố chất, năng lực và khả năng của mình có phù hợp với nghề nghiệp, công việc đó không. Bạn cần nhìn lại thật kỹ bản thân mình, đồng thời nhờ sự tư vấn của các chuyên gia, các anh chị đi trước nhận xét về bản thân mình. Những đánh giá của họ sẽ giúp bạn có được cái nhìn chủ quan và khách quan về bản thân. Những tiêu chí cố định như tiêu chuẩn về chiều cao, ngoại hình… đối với số ngành nghề dễ dàng nhận thấy nhưng những tiêu chí về tính cách: bạn thích làm việc trong môi trường năng động, gặp gỡ nhiều người, bạn có kỹ năng giao tiếp tốt hay bạn thích làm việc trong môi trường yên tĩnh nếu bạn là người trầm tính, ít nói… Bạn thích đi đây đó hay thích cố định? Bạn thích công việc nhẹ nhàng hay cần môi trường áp lực, cạnh tranh… Bạn có khiếu với máy móc hay năng khiếu là một MC, một ca sĩ hay một tư vấn viên qua điện thoại thì cần chất giọng hoặc giọng nói hay…
Sau khi ghi ra giấy các tố chất của mình, bạn hãy xem xét từ 10 nghề bạn yêu thích chọn lấy 5 nghề nào phù hợp nhất với bạn.
Hoàn thành danh sách này bạn sang bước 3.
3. Bước 3: Xác định những nghề “Hot” hoặc tiềm năng phát triển mạnh
Hoàn thành xong bước 2 bạn đã đạt được một số tiêu chí quan trọng trong chọn nghề. Và đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ có một nghề ưng ý trong tương lai: phù hợp với sở thích và các tố chât của bản thân. Tuy nhiên người khôn ngoan luôn biết chọn những giải pháp tốt nhất. Với danh sách có được từ bước 2 bạn hãy cân nhắc, nhờ chuyên gia tư vấn nên chọn ngành nghề nào phù hợp với xu hướng phát triển tương lai của nền kinh tế, xã hội. Ngành nghề đó có được xã hội tạo điều kiện để bạn dễ dàng đạt được những thành tựu nhất khi đầu tư phát triển hay không…
Thông thường tôi khuyến khích các bạn chọn 3 ngành để back up (hỗ trợ) cho nhau. Vì khi các bạn tìm việc có thể sẽ không kiếm được ngành này thì vẫn có nhiều cơ hội với 2 ngành nghề còn lại. Cá nhân tôi, tôi chọn làm việc trong lĩnh vực: Giáo dục, Du lịch, Nhà hàng Khách sạn. Tôi sẽ trở thành một Marketer đồng thời là nhà Tư vấn chuyên nghiệp trong tương lai.
Ngay sau khi đọc xong bài này bạn hãy nhìn lại mình nhé!
Nếu bạn chưa hài lòng với công việc hiện tại hãy nghiêm túc tìm ra nguyên nhân và nếu thật sự cần công việc khác, ngành nghề khác thì hãy thực hiện theo các bước trên.
Lưu ý quan trọng:
Tuy nhiên nếu áp dụng các bước trên chỉ đơn thuần giúp bạn có một công việc tốt phù hợp với sở thích, các tố chất cũng như sẽ đảm bảo thu nhập cho bản thân bạn và có thể bạn sẽ giàu có như những triệu phú, tỉ phú. Vậy điều đáng LƯU Ý ở đây là gì? Tiếp theo đây tôi sẽ giới thiệu cho bạn một việc bạn phải luôn thực hiện trước, trong và sau khi thực hiện các bước chọn nghề trên. Bạn phải luôn đặt và trả lời câu hỏi: “Sứ mệnh của cuộc đời tôi là gì?” Mỗi một người sinh sống điều phải có một ý nghĩa, một giá trị và giá trị đó phải phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Nếu bạn không gắn các bước chọn nghề với sứ mệnh của mình thì ý nghĩa của cuộc đời bạn, lý do để bạn lao động có thể trở nên vô nghĩa. Lúc đó, dù bạn có thực hiện đầy đủ các bước chọn nghề trên bạn vẫn rất khó đạt được thành tựu trong công việc gắn liền với tâm trạng hạnh phúc trong cuộc sống.
Cách huy động các nguồn lực hỗ trợ
Để thực hiện hoàn thành các bước trên đối với mỗi cá nhân sẽ khác nhau. Có người hiện xác định đúng nghề mong muốn, có người sẽ không. Điểm khác nhau giữa họ đó chính là: Ai thực sự quyết tâm để tìm được con đường và mục đích sống của mình. Ngay khi bạn nhận thức được sự cần thiết phải quyết định tương lai của chính mình, bạn sẽ phải tìm kiếm, tìm kiếm và tìm kiếm mục đích sống, mục tiêu cuộc đời… và chỉ dừng lại khi bạn đã thực sự thỏa mãn được niềm đam mê, hoàn thành tốt công việc để phục vụ cho sứ mệnh đã đề ra. Tuy nhiên đối với học sinh phổ thông, sinh viên các bạn cần sự hỗ trợ để quyết định chọn nghề. Tôi xin đưa ra một số kênh hỗ trợ hiệu quả sau đây:
- Hãy tìm gặp những người bạn quen biết đang thành đạt tại công việc và có những đóng góp cho lợi ích cộng đồng
- Hãy nhờ những chuyên gia tư vấn giáo dục
- Hãy đọc sách, xem báo, coi tivi
- Hãy sử dụng Internet: Forum, website tư vấn học hành, website tuyển dụng, mạng việc làm và đặt biệt là Ông thầy Google. Gần như bạn có thể tìm thấy tất cả các câu hỏi bạn cần khi biết cách tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm (Search Engine). Ở Việt Nam: Google là lựa chọn số 1.
- Hãy tham gia hội thảo, các chương trình Tư vấn, hướng nghiệp. Rất nhiều trung tâm, viện đào tạo thường xuyên tổ chức các buổi hỗ trợ cho học sinh cấp III, sinh viên các trường đại học. Bởi các trung tâm hiểu rằng, có số lượng rất lớn các học sinh, sinh viên vẫn còn mù mịt trong định hướng công việc, cuộc sống. Khi làm việc ở BMG International Education, đơn vị chuyên đào tạo Marketing, đào tạo PR tôi thường xuyên tổ chức các chương trình này và luôn được sự đón nhận của rất đông sinh viên tại các trường đại học tại Tp. HCM. Các bạn đã thu được những giá trị rất lớn để nâng cao tư duy, kiến thức và có cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ mới.
Theo: Huongnghiep.vn