1. Định hướng cách học:
Việc hệ thống kiến thức là rất cần thiết, thí sinh nên lập bảng danh mục tác giả - tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, đặc điểm nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm. Từ đó rút ra những đặc điểm chính của từng giai đoạn văn học.
Ví dụ như đặc điểm của truyện lãng mạn 1930-1945 là con người tài hoa khí phách (nhân vật lý tưởng của Nguyễn Tuân) với sự chiến thắng của thiên lương và tình người. Quan niệm thẩm mỹ: Cái đẹp phải gắn với cái thiện, cái đẹp không thể ở chung với cái ác, cái xấu (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân).
Cuộc sống tàn lụi, leo lét một cách tội nghiệp trong nghèo đói, buồn chán và tối tăm của những kiếp người nhỏ bé, vô danh; ước mơ khao khát vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn (Hai đứa trẻ - Thạch Lam).
Bên cạnh đó, thí sinh nên hệ thống vấn đề như: tình yêu quê hương đất nước trong thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm hay số phận người lao động, vẻ đẹp tâm hồn của họ qua các tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Mùa lạc của Nguyễn Khải.
Xu hướng ra đề những năm gần đây thường tổng hợp những vấn đề như “Anh/chị hãy phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) và bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) ở tập Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) để làm nổi bật những nét đẹp trong tâm hồn tác giả Hồ Chí Minh” (Câu 2, khối C, năm 2004).
Cùng với việc hệ thống là nên đọc kỹ phần tiểu dẫn chữ nhỏ trong sách giáo khoa. Ở đó tập trung những vấn đề cốt lõi giúp các em nắm bắt tác phẩm. Nên luyện tập trả lời những câu hỏi hướng dẫn học cuối mỗi bài bởi lẽ ngay trong câu hỏi đã hàm chứa phần nào câu trả lời và nội dung trọng tâm của bài.
Cấu trúc một đề thi:
Câu 1 (2 điểm): Kiểm tra kiến thức cơ bản, thường hỏi về những vấn đề như: sự nghiệp văn học của một tác giả, phong cách nghệ thuật của tác giả, ý nghĩa nhan đề tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm.
Câu 2 và câu 3 (mỗi câu từ 3 đến 5 điểm): Nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ, phân tích tác phẩm cả thơ và văn xuôi; thường là bình giảng, phân tích một đoạn thơ, phân tích một nhân vật hay yêu cầu nêu giá trị nhân đạo của một tác phẩm cụ thể nào đó. Mục đích hai câu này vừa kiểm tra được kiến thức, vừa đánh giá được kỹ năng làm bài của thí sinh.
2. Định hướng cách làm
Trước hết thí sinh cần đọc kỹ đề, chú ý các khái niệm, thể loại và phạm vi dẫn chứng mà đề yêu cầu. Chú ý các yêu cầu của đề qua những “câu lệnh” như: “Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) để làm rõ những tình cảm sâu nặng của tác giả đối với nhân dân”...
Khi phân tích đề, thí sinh cần chú ý đến từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc đơn, ngoặc kép để định hướng cách làm bài. Ví dụ như đề thi khối C năm 2004: “Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người ở phố huyện nghèo lúc chiều tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam (chú ý làm rõ những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của tác giả)”.
Yêu cầu cụ thể của đề được ghi trong ngoặc đơn nhằm gợi ý hướng làm bài cho thí sinh. Vì vậy, nếu không chú ý, thí sinh có thể chỉ phân tích bức tranh phố huyện lúc chiều tối. Đặc biệt, cần lưu ý số điểm của mỗi câu, từ đó phân bố thời gian làm bài cho phù hợp cũng như định lượng mức độ kiến thức đề yêu cầu, tránh sa đà vào một nội dung nào đó mất quá nhiều thời gian.
Đáp án chấm bao giờ cũng tính điểm chi tiết cho từng nội dung nhỏ. Tuy nhiên, đối với môn văn, khi chấm, giám khảo còn xem xét cả hành văn, cách diễn đạt của thí sinh.
Thạc sĩ TRẦN THÚY LIỄU, (CĐ Sư phạm TPHCM)